Giải quyết tranh chấp :
Giải quyết tranh chấp :

Lào Cai: TAND TP Lào Cai có vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng trong xét xử?

Lào Cai: TAND TP Lào Cai có vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng trong xét xử?

(PLVN) - Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của bà Vũ Thanh Huyền phản ánh việc tòa án xử sai pháp luật, bênh vực cho Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Lan Phương – nguyên Phó Chánh án TAND TP Lào Cai trong một vụ tranh chấp dân sự. Thực hư chuyện này như thế nào?
 

Theo nội dung vụ việc, bà Vũ Thanh Huyền và bà Nguyễn Thị Lan Phương đã có quan hệ làm ăn, kinh doanh về tiền trong nhiều năm.

Bà Huyền đã nhiều lần vay bà Phương tiền với lãi suất thỏa thuận từ 3% đến 4%/1 tháng. Bà Huyền đã trả lãi và gốc cho bà Phương theo thỏa thuận và có sổ ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, bà Phương đã đưa ra các Giấy vay tiền để kiện đòi tiền bà Huyền.

Ngày 07/11/2019, Tòa án TP Lào Cai đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên Bản án sơ thẩm, thụ lý số 14/TB-TL.VA ngày 10/05/2019, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Lan Phương.

 
Biên lai bà Vũ Thanh Huyền chuyển trả tiền bà Nguyễn Thị Lan Phương 
 

Luật sư Trịnh Cẩm Bình (Cty Luật Biển Đông, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng TAND TP Lào Cai đã vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục tố tụng khi không triệu tập người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cũng như bỏ qua hàng loạt những quy định bắt buộc khác theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Bình, “sai phạm thứ nhất về thủ tục tố tụng là Tòa án đã không theo quy định pháp luật tố tụng dân sự, bà Nguyễn Thị Lan Phương là Nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, thư ký Nông Thanh Huyền là người tiến hành tố tụng đã đại diện theo ủy quyền cho bà Phương để thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng là nộp tiền tạm ứng án phí. Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án ngày 10/5/1019 ghi người nộp tiền là Nông Thanh Huyền và ký tên người nộp tiền cũng là Nông Thanh Huyền”.

Điều này đã vi phạm tố tụng tại Khoản 3 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong các cơ quan Tòa án, kiểm sát , công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự”.

Luật sư Bình cho biết, “sai phạm thứ hai về thủ tụng tố tụng là Tòa án không triệu tập bà Phan Thị Lan tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án”. Bà Lan là người trực tiếp vay số tiền 1,5 tỷ trong giấy vay tiền của bà Phương.

Căn cứ vào việc bà Lan trực tiếp xác nhận việc này, bà Lan có các căn cứ còn lưu giữ liên quan đến việc nhận số tiền này từ bà Phương.

Tại phiên tòa ngày 07/11/2019, bà Lan đã đến phiên tòa theo thông báo của luật sư. Tuy nhiên, do không được Tòa án triệu tập từ trước nên bà Lan đã không kịp chuẩn bị các tài liệu, căn cứ để đưa ra tại phiên xét xử.

Khoản 4, Điều 68 BLTTDS quy định: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền xử.

Khoản 4, Điều 68 BLTTDS quy định, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc không đưa bà Lan tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án của thẩm phán chủ tọa Lê Kim Phượng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 

Về số tiền gốc bà Nguyễn Thị Lan Phương kiện đòi hơn 3 tỷ 700 triệu đồng. Trong số hơn 3,7 tỷ đồng bà Phương kiện đòi có khoản 1,5 tỷ đồng là bà Lan vay của bà Phương, bà Huyền không vay khoản này. Việc giao dịch, thỏa thuận lãi suất, giao nhận tiền được thực hiện trực tiếp giữa bà Phương và bà Lan.

Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2005 về Hợp đồng vay tài sản thì Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản

Căn cứ quy định trên, mặc dù bà Huyền có ký trên Giấy vay tiền số tiền 1,5 tỷ đồng nhưng bà Huyền không phải là người vay tiền vì không có thỏa thuận và không nhận tiền từ bà Phương.

Đối với khoảng tiền 3,2 tỷ đồng còn lại, tòa án đã không xem xét việc trả gốc là tờ chuyển khoảng ngân hàng 500 triệu đồng (người nhận là bà Phương).

Về việc bà Phương kiện đòi số tiền gốc với lãi xuất 1%, toàn bộ các giấy vay tiền đều không ghi lãi suất thỏa thuận (trên thực tế bà Phương cho bà Huyền vay với lãi suất từ 3% đến 4% / 1 tháng).   

Khoản 2 Điều 476 BLDS quy định: Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Tuy nhiên, Tòa án vẫn buộc bà Huyền phải trả lãi theo yêu cầu của bà Phương và không xem xét các căn cứ pháp luật trên và cũng không xem xét các tài liệu trả lãi do bà Huyền xuất trình.

Rõ ràng, Bản án sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng trong trình tự, thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là bà Vũ Thanh Huyền. Được biết, không đồng ý với phán quyết của TAND TP Lào Cai, bà Vũ Thanh Huyền đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án cấp cao hơn.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc./.

Các tin khác