Giải quyết tranh chấp :
Giải quyết tranh chấp :

Bị chồng Hàn Quốc đánh đập, muốn ly hôn tại Việt Nam được không?

08/07/2016 22:49

Lê Nguyễn - theo Trí Thức Trẻ | 27/04/2014 08:11

(Soha.vn) - Chúng tôi đã đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc nhưng sau đó tôi trốn về nước vì bị đánh đập tàn nhẫn. Tôi muốn nộp đơn ly hôn ở Việt Nam có được không?

Câu hỏi:
Năm 2010, tôi quen một người con trai Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Do có tình cảm, chúng tôi quyết định kết hôn. Chúng tôi đã đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc và đã được công nhận tại Sở tư pháp tỉnh BN. Tuy nhiên, trong thời gian chung sống được khoảng 2 tháng tại Hàn Quốc, chồng tôi cư xử rất thô bạo, đánh đập tôi và không cho tôi gọi điện về nhà hỏi thăm người thân. Do đó, tôi đã bỏ ra ngoài sống.
Sau 01 năm làm việc tại Hàn Quốc, tôi phải trở về nước vì cư trú trái phép. Tôi đã về Việt Nam được 2 năm nay. Tôi muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân với người chồng Hàn Quốc để xây dựng gia đình mới, tiếp tục đăng ký kết hôn hợp pháp tại Việt Nam.
Vậy tôi xin hỏi tôi phải làm thủ tục xin ly hôn thế nào? Tôi có thể nộp đơn xin ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam không?

Luật sư Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc công ty Luật Biển Đông trả lời tư vấn:



Trường hợp của bạn được xác định là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được pháp luật Việt nam bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Theo Điều 104 Luật hôn nhân gia đình:
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Bên cạnh đó, điểm g Khoản 2 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Toà án Việt Nam trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài “Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam.”

Từ những căn cứ nêu trên, hiện tại bạn đang cư trú tại Việt Nam và việc đăng ký kết hôn đã được công nhận tại Việt Nam nên bạn có thể làm đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân tỉnh BN là nơi bạn đang thường trú.
Trường hợp ly hôn của bạn tương đối phức tạp vì khi Tòa án thụ lý giải quyết, Tòa án cần thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp qua lại với Hàn Quốc để lấy lời khai của chồng bạn ở Hàn Quốc.

Mục 2.4 Nghị quyết số 01/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài như sau: 

Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng người nước ngoài đã về nước mà không còn liên hệ với công dân Việt Nam, nay công dân Việt Nam xin ly hôn, thì Toà án thụ lý giải quyết.
Theo quy định tại Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vợ chồng có nghĩa vụ chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Do đó, nếu người nước ngoài bỏ về nước không thực hiện nghĩa vụ vợ chồng theo quy định, thời gian không có tin tức cho vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam từ một năm trở lên mà đương sự, thân nhân của họ và các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước họ, các cơ quan có thẩm quyền mà người đó là công dân), sau khi đã điều tra xác minh địa chỉ của họ theo thủ tục xuất nhập cảnh, địa chỉ mà họ khai khi đăng ký kết hôn theo giấy đăng ký kết hôn... nhưng cũng không biết tin tức, địa chỉ của họ, thì được coi là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và xử cho ly hôn.
Căn cứ các quy định nêu trên, Tòa án sẽ xác định các tình tiết liên quan và giải quyết cho bạn ly hôn.

Về trình tự thủ tục như sau:

- Hồ sơ bạn nộp gồm:
+ Đơn xin ly hôn do bạn ký
+ Bản sao chứng minh nhân dân (hộ chiếu), hộ khẩu (sao y bản chính);
+ Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã được hợp pháp hóa lãnh sự.
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã được công nhận tại Việt Nam
+ Bản sao giấy khai sinh của các con (nếu có con)
+ Bản sáo chứng từ, tài liệu về sở hữu tài sản (nếu có)

- Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân tỉnh BN nơi bạn cư trú.
 
Link: http://soha.vn/tu-van-phap-luat/bi-chong-han-quoc-danh-dap-muon-ly-hon-tai-viet-nam-duoc-khong-20140427001330396.htm

Các tin khác